Bên cạnh chứng khoán và bất động sản, những người giàu có trên thế giới đang đầu tư mạnh vào hộ chiếu như một hình thức đảm bảo kinh tế trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.
IMM Group: Theo thống kê của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới, số lượng nhà đầu tư tìm kiếm thị thực hoặc quyền công dân ở các quốc gia phát triển đang tăng lên nhanh chóng. Đầu tư vào thị thực thường trú ở một quốc gia khác là cách họ thoát khỏi các rào cản kinh tế hoặc chế độ chính quyền nhiều biến động. Đa số nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này đều là các triệu phú, tỷ phú mới của các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, đặc biệt là Trung Quốc, Nga và các quốc gia Trung Đông. Mục tiêu của họ là thị thực hoặc quyền công dân của châu Âu, Mỹ, Canada và Úc.
Các chuyên gia dự đoán rằng những “công dân kinh tế” này chi khoảng 2 tỷ USD mỗi năm cho các thị thực và hộ chiếu thứ 2, thứ 3 của mình. Do nhu cầu tăng mạnh nên chính quyền các nước đã bắt đầu “cuộc đua” thị thực V.I.P, rút ngắn thời gian cấp thị thực và cho phép cư trú nhanh hơn. Tất nhiên, đặc quyền này cũng đi kèm với khoản vốn đầu tư cao hơn nhiều. Trong năm vừa qua, Úc, Canada, Anh và một số quốc gia châu Âu đã tăng yêu cầu đầu tư trong các chương trình của mình nhằm tạo ra lộ trình lấy quyền công dân nhanh hơn cho các nhà đầu tư.
Ông Christian H. Kalin, Chủ tịch tập đoàn Henly & Partners, một công ty tư vấn nhập cư tại London đã phát biểu “người giàu ở những quốc gia nhiều biến động luôn có nhu cầu tìm kiếm lựa chọn thứ hai tại một đất nước ổn định hơn”. Ông cũng nhấn mạnh “Về phía các quốc gia phát triển, nếu muốn có một chương trình nhập cư chất lượng cao, bạn phải thu hút đúng người”.
Trong những tháng cuối năm 2014, Úc đã công bố một chương trình nhập cư mới mang tên Thị thực đầu tư cao cấp (Premium Investor visa) hay còn gọi là Thị thực bạch kim (Platinum visa). Chương trình này cho phép nhà đầu tư nhận thẻ thường trú trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 12 tháng, với điều kiện đầu tư 15 triệu AUD. Trước đó, chương trình nhập cư “đắt đỏ” nhất của Úc là Thị thực đầu tư trọng yếu (Significant Investor visa) với yêu cầu đầu tư 5 triệu AUD (tương đương 4,15 triệu USD), cho phép nhà đầu tư nhận thẻ thường trú vĩnh viễn sau 4 năm. Từ khi Thị thực đầu tư trọng yếu ra đời cho đến nay, Úc đã cấp 436 thị thực diện này, mang về khoản đầu tư trị giá hơn 2 tỷ AUD.

Các chuyên gia tư vấn, luật sư và cố vấn di trú cho biết chương trình di dân thương mại đem lại rất nhiều lợi ích cho nước sở tại. Trong quá trình nhập cư, các thường trú nhân sẽ đầu tư vào các công ty mới, mua nhà mới và chi tiêu cho hàng loạt chi phí thường nhật như nhà hàng, các trường học và cả nhân viên riêng.
Ông Nadine Goldfoot, luật sư di trú thuộc công ty luật Fragonen tại London, đồng thời là thành viên ban điều hành của Ủy ban Đầu tư di trú đã nhận định “Ngoài việc chi tiêu, họ còn mang tới quê hương mới các kỹ năng và chất xám”. Đây là những giá trị vô hình mà người nhập cư cống hiến cho sự phát triển chung của nước sở tại.
Ở Anh, chương trình Thị thực đầu tư cho phép ứng viên trở thành thường trú nhân với vốn đầu tư tương đương 2 triệu bảng Anh (3,14 triệu USD). Sau 5 năm duy trì khoản đầu tư, đương đơn sẽ được quyền cư trú vô thời hạn tại nước này. Không dừng lại ở đó, mới đây Chính quyền Anh còn mở thêm chương trình gia tốc (fast–track programs) cho các nhà đầu tư 5 triệu bảng (được thường trú vĩnh viễn sau 3 năm) và 10 triệu bảng (được thường trú vĩnh viễn sau 2 năm). Một nửa số lượng thị thực diện này đã được cấp cho công dân của Nga và Trung Quốc.
Ở Mỹ, chương trình đầu tư định cư EB-5 đã vượt qua hạn mức 10.000 thị thực trong năm nay. Đây là lần đầu tiên hạn mức này được chạm tới kể từ khi chương trình ra đời vào năm 1990. Với chương trình này, những cá nhân sẵn sàng đầu tư ít nhất 500.000 USD vào các dự án đã được phê duyệt sẽ có cơ hội nhận thẻ thường trú Mỹ cho cả gia đình. Sau 2 năm duy trì việc đầu tư, nếu dự án chứng minh đã tạo ra ít nhất 10 việc làm cho người bản xứ thì ứng viên sẽ được quyền cư trú vĩnh viễn và cuối cùng là được cấp quyền công dân. Hơn 80% đương đơn của chương trình EB-5 là các nhà đầu tư Trung Quốc.
Hiện chương trình EB-5 đang bước vào giai đoạn cháy dự án và tồn đọng hồ sơ do số lượng ứng viên ngày một nhiều. Tuy nhiên, do các chính sách nhập cư của Mỹ đang có xu hướng siết chặt lại nên rất khó xác định được chương trình sẽ thay đổi ra sao trong tương lai. Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia đều nhận định rằng mức đầu tư 500.000 USD (quy định từ năm 1990) sẽ được nâng lên trong bối cảnh kinh tế thế giới đang thay đổi. Ông Stephen W. Yale-Loehr, luật sư tại Công ty Miller Mayer, đồng thời là Giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Luật Cornell, người đang hỗ trợ chương trình cho biết: “Tôi nghĩ rằng sau 24 năm triển khai chương trình, đã đến lúc Quốc hội nên xem xét lại mức đầu tư này”.
Rõ ràng, trong những năm gần đây, sở thích sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ, xe hơi của giới “đại gia” đã được thay thế bằng những hoạt động đầu tư thực tế hơn, một trong số đó chính là trào lưu sưu tầm thị thực đang nở rộ trên thế giới. Có thị thực thường trú, thậm chí là quốc tịch của nhiều quốc gia khác nhau sẽ mở ra những cơ hội giao thương mới cho nhà đầu tư, xóa bỏ mọi rào cản về kinh tế, văn hóa và giúp việc hội nhập thế giới trở nên đúng nghĩa hơn bao giờ hết.
IMM GROUP (tổng hợp)