
Em Lê Thị Diễm My
Bước vào căn nhà nhỏ của em Diễm My, ấn tượng đầu tiên của đoàn khảo sát là ngôi nhà khá rộng như các ngôi nhà thường thấy ở quê. Tuy nhà cửa rất ngăn nắp, gọn gàng nhưng rất trống trải, hầu như chỉ có rất ít các vật dụng cần thiết nhất. My là một học sinh khá giỏi đang học lớp 8, sống với ông bà ngoại. Ba em đã mất vì căn bệnh ung thư quái ác, để lại một khoản tiền nợ phí chữa trị với ngân hàng mà giờ đây đặt lên vai của mẹ em. Vì mẹ làm phụ hồ, xa nhà nên mỗi năm em chỉ được gặp mẹ khoảng 1-2 lần. Anh trai My làm công nhân xưởng gỗ. Bà ngoại bán bông súng. Mỗi tháng thu nhập ít ỏi gia đình chỉ vừa đủ dành để lo cho những nhu cầu cơ bản. Khi được phỏng vấn về gia cảnh, chúng tôi đã vô cùng xúc động khi Diễm My bật khóc. Em đòi dừng việc học để phụ giúp cho gia đình, và rất muốn đi theo để được phụ hồ, được ở bên mẹ mình. Em thường xuyên bị bạn bè trêu chọc, xa lánh. Mặc dù thiên hướng học tập của em thuộc khối Xã hội, do tấm lòng của mình đối với người cha, My ấp ủ một ước mơ sau này trở thành một bác sỹ để có thể giúp đỡ cho những người khác.
Bà Nguyễn Thị Sinh
Khi một số nhóm khảo sát đã hoàn thành công việc của buổi sáng và quay về địa điểm tập trung để báo cáo tình hình, nhóm chỉ huy và truyền thông nhận được một thông tin từ một thành viên trong đoàn báo về một trường hợp khó khăn, tuy không phải chính xác đối tượng của chương trình, nhưng là hoàn cảnh khẩn cấp, cần nhận được sự quan tâm giúp đỡ. Nhóm chỉ huy và truyền thông nhanh chóng xuống hiện trường để xác minh. Từ đầu ngõ, đấy là một vùng trũng, ngập nước bẩn, đi sâu vào trong là một căn nhà tình thương nhỏ lụp xụp. Sống trong căn nhà là gia cảnh vô cùng bất hạnh của bà Nguyễn Thị Sinh, 82 tuổi, cùng 6 đứa cháu nhỏ, một nửa trong số đó mồ côi cha mẹ, 4 cháu đang ở tuổi đến trường. Tất cả chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp mồ côi chỉ hơn 1 triệu 6 trăm nghìn đồng một tháng. Số phận mong manh và con đường đi học của 6 đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào người bà đang ngày một già yếu đi.
Ở cái tuổi 82 khi mà sức khoẻ không còn cho phép bà lao động hay chăm sóc cho người khác, thì bà Sinh phải cưu mang 6 đứa cháu ngây dại. Các cháu nhỏ từ 2 đến 10 tuổi, chân đất, quần áo bẩn thỉu, và một số đang trong tình trạng ghẻ lở. Bà cũng không thể lao động gì vì tuổi quá cao, không có ai mướn, chỉ có thể bắt ốc với thu nhập 5 nghìn đồng một ngày, và thường xuyên phải mua chịu cá từ nhà hàng xóm để nuôi đàn cháu. Được biết, con cái của bà, hoặc đã mất vì tai nạn, hoặc vì khổ quá mà bỏ đi xa không liên lạc về, để lại đàn cháu cho bà nuôi nấng. Khi được hỏi: “Cuộc sống khổ quá như vậy thì có ai nhận nuôi mấy đứa nhỏ thì bà có cho không?” Bà trả lời: “Không, tôi không có cho ai hết. Để tôi chết đi rồi thì tính.” Chúng tôi không khỏi xót xa: “Thế bây giờ chúng cháu hỗ trợ cho bà thì bà cảm thấy thế nào?”. Bà trả lời chắc nịch: “Tôi rất biết ơn nhưng cũng không dám mong đợi gì giúp đỡ đâu, tự mình phải lo cho mình trước thôi, tới đâu thì tới. Chết thì thôi chứ biết làm sao bây giờ hả chú? Tiền hỗ trợ cũng là đồng tiền xương máu của người khác, không dám trông mong.” Nhìn thấy cảnh bà lầm lũi chui vào xó bếp luộc khoai, khói bay mù mịt không có đủ không khí để thở, và đàn cháu nhỏ nheo nhóc tự trông chừng nhau, bạn Huyền Trinh, một trong các tình nguyện viên phụ trách phỏng vấn, không khỏi xúc động và rưng rưng nước mắt.
Trên đường đi về, khác hẳn với sự hồ hởi và năng lượng lúc xuất phát là bầu không khí trầm lắng, nặng nề. Chúng tôi bị bao trùm bởi nỗi ám ảnh, xót xa của những gì đã được chứng kiến trong hai mươi tư giờ qua và những trăn trở khi nhận ra chương trình từ thiện của mình cũng chỉ là một phần rất nhỏ để giúp đỡ người dân ở đây. Các thầy cô giáo của địa phương đã chia sẻ: “Ngay cả với những em có hoàn cảnh khá hơn, thì tỷ lệ vào được đại học và theo được nghề tốt ở đây cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay”, bởi vì điều kiện trường lớp, chênh lệch trình độ so với các vùng miền khác là quá lớn. Ở địa phương này, những người trẻ có sức lao động thì bỏ hết lên các khu công nghiệp để làm thợ hồ, làm công nhân, làm mướn để lại phần đông là người già và trẻ con tự nuôi nhau. Nguồn thu nhập đủ sống thì hầu như chỉ dành cho các gia đình có sẵn vườn tược ruộng đất để có thể tự cung tự cấp. Trẻ con bị bỏ mặc, không có được sự định hướng từ bố mẹ và không biết số phận sẽ đi về đâu, càng không biết làm gì để thay đổi số phận của mình, rốt cuộc khi đến tuổi vào cấp ba sẽ bị rủ rê lên thành phố làm mướn. Các giáo viên tận tâm của xã luôn phải lo lắng, khuyến khích gia đình đừng cho các em bỏ học. Mỗi dịp Tết về, một số thầy cô còn phải ra trước cổng xã, canh không cho các gia đình bắt con bỏ học, lên thành phố làm mướn. Nếu hỏi về cuộc sống ở đây khổ quá thì phải làm gì để thay đổi, phần lớn người dân sẽ trả lời là “tới đâu hay tới đó, ăn qua bữa, sống qua ngày”. Nhìn về phía cánh đồng xa xa hệt như cảnh vật trong tác phẩm Cánh Đồng Bất Tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, một bạn trong đoàn đã thốt lên: “mấy con vịt bơi qua bơi lại ngoài kia còn sướng hơn con người.”
IMM Group