Lần đầu tiên trong lịch sử 14 năm của Bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới của tạp chí Times, Vương quốc Anh là quốc gia có hai trường đại học dẫn đầu. Oxford nắm giữ vị trí thứ nhất năm thứ hai liên tiếp, trong khi Cambridge vươn lên vị trí thứ hai.
IMM Group: Đại học Oxford đã nắm giữ vị trí số một năm thứ hai liên tiếp, trong khi Đại học Cambridge đã nhảy từ vị trí thứ tư lên thứ hai. Sự gia tăng thứ bậc của Cambridge là do Viện Công nghệ California rơi xuống vị trí thứ ba, cùng hạng với Stanford. Viện này đứng đầu trong năm 2012 và 2016, đứng vị trí thứ hai vào năm ngoái.
Một lý do cho sự tăng bậc này là thu nhập từ nghiên cứu và chất lượng nghiên cứu của Cambrigde được cải thiện trong năm nay, trong khi Viện Công nghệ California và Stanford tụt hạng do tỷ lệ Tiến sĩ / cử nhân giảm. Viện Công nghệ California cũng có sự gia tăng khiêm tốn hơn trong thu nhập từ nghiên cứu của mỗi nhân viên học thuật so với ba trường trên.
Louise Richardson, Phó hiệu trưởng của Oxford, nói rằng bà “rất vui vì Oxford đã giữ vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng toàn cầu”.
“Được đánh giá là trường đại học tốt nhất thế giới năm thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh vai trò của Anh trên thế giới không chắc chắn và thứ hạng của các trường đại học trong xã hội vẫn còn đang bỏ ngỏ, sẽ là một niềm tự hào tuyệt vời cho tất cả mọi người ở Oxford , và tôi hy vọng, đối với cả nước “, giáo sư Richardson nói.
Bà cũng nói thêm: “Thành công trong lĩnh vực của chúng tôi không bao giờ là một may mắn. Nó đạt được bằng một sự theo đuổi không ngừng nghỉ, sáng tạo và cam kết sâu sắc với những giá trị lâu dài của chúng tôi”.

Ông Leszek Borysiewicz, Phó hiệu trưởng của Cambridge, nói rằng kết quả này khẳng định rằng trường đại học “nằm trong số ít các tổ chức giáo dục đại học được kính trọng nhất trên toàn cầu”. Ông cũng nói thêm: “Chúng tôi hoan nghênh thực tế là các viện nghiên cứu ở Anh rất nổi bật trong bảng xếp hạng năm nay, chứng tỏ tầm quan trọng của chúng đối với đất nước và nền kinh tế. ”

Giáo sư Richardson cũng đã nhấn mạnh nguy cơ Brexit có thể ảnh hưởng vị thế toàn cầu của các trường đại học hàng đầu của Anh.
Gần một phần tư ngân sách nghiên cứu của Cambridge đến từ các khoản hỗ trợ của Liên minh châu Âu, trong khi tỷ lệ này tại Đại học Oxford là khoảng một phần năm.
Tập đoàn Russel đại diện cho 24 trường đại học hàng đầu của Anh, trong đó 23 trường nằm trong Top 200, với Đại học Queen’s Belfast nằm trong khoảng 200 và 250. Hiện nay, tập đoàn này đang lo ngại về khả năng mất nguồn tài trợ nghiên cứu từ EU. Nhìn chung, 31 trường của Anh nằm trong top 200 và 93 trường nằm trong top 1.000.
Năm nay, hầu hết các tổ chức của Tập đoàn Russell giữ vững vị trí của mình so với vị trí năm ngoái. Ông Anton Muscatelli, Phó Hiệu trưởng của Đại học Glasgow (từ năm thứ 80 đến năm thứ 88 vào năm 2016), đồng thời là chủ tịch nhóm Russell cho biết thành tích của các trường thành viên trong tập đoàn cần được xem xét dưới sự thách thức đặt ra bởi Trung Quốc và các nước châu Á khác, nơi phần trăm GDP đầu tư vào học vấn cao hơn Anh Quốc.
Bảng xếp hạng gần nhất cho thấy rằng vị trí của Mỹ và Úc trong những năm tới cũng có thể bị đe dọa.
Gần như tất cả các đại diện hàng đầu của Mỹ trong top 200 (59 trong số 62) đều phải đối mặt với sự sụt giảm trong thu nhập nghiên cứu dành cho các nhân viên học thuật và mức thu nhập nghiên cứu trong tương lai dưới chính quyền của Trump là không chắc chắn. Hai phần năm số trường đại học trong nhóm ưu tú này (29) đã hạ bậc.
Trong khi đó, mặc dù Úc vẫn duy trì được kết quả tương đối ổn định, nhưng vị thế của quốc gia này trong những năm tới có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu chính phủ có kế hoạch cắt giảm ngân sách 2,5%, dẫn đến tổn thất về thu nhập 2,8 tỷ đô la Úc trong ngành giáo dục đại học.
Cả hai quốc gia trên cũng như các quốc gia ở Châu Âu đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các trường đại học đang phát triển nhanh chóng ở châu Á.
Đại học Bắc Kinh đã tăng hai bậc lên vị trí thứ 27, ngang bằng với Đại học New York và Đại học Edinburgh và xếp trên Viện Karolinska.

Đại học Tsinghua tăng năm bậc lên vị trí thứ 30, vượt qua Đại học Melbourne, Học viện công nghệ Georgia, LMU Munich và École Polytechnique Fédérale de Lausanne.
Vị trí của cả hai trường này của Trung Quốc đã được cải thiện nhờ danh tiếng về giảng dạy và nghiên cứu trong năm nay. Hiện nay có ba trường đại học châu Á nằm trong top 30 của bảng xếp hạng lần đầu tiên theo phương pháp hiện tại.

Trường đại học hàng đầu của châu Á, Đại học Quốc gia Singapore, đã tăng lên hai bậc xếp hạng 22, ngang bằng với Đại học Toronto và vượt qua Đại học Carnegie Mellon. Hiệu trưởng Tan Chorh-Chuan nói rằng ông “rất vui mừng vì sự phát triển mạnh mẽ của danh tiếng toàn cầu, chất lượng cao và tác động sâu sắc đến giáo dục và nghiên cứu của NUS”.

IMM Group