08/09/2021
2 câu chuyện thực tế được chia sẻ bởi ông Trần Văn Tỉnh, Nhà sáng lập IMM Group. Một passport có quyền lực không những mang lại sự tự do, tự tại, tiện ích mà còn vô tình nâng giá trị của một doanh nhân, dù rằng đó không phải là giá trị thật của một con người có giá trị.

Câu chuyện về chuyến công tác Dublin, quá cảnh tại Istanbul
Khoảng năm năm trước, tôi thực hiện chuyến công du châu Âu để khảo sát nhiều dự án, gặp nhiều đối tác cùng một lúc. Lúc đi, tôi sử dụng passport Việt Nam, xin visa loại Business công tác. Điểm đến đầu tiên của tôi là Dublin, Ireland. Chuyến bay quá cảnh ở sân bay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Từ trước đến giờ, vốn dĩ tôi có gương mặt hai lúa. Người cũng nhỏ nhỏ đen đen như nông dân (mà xuất thân là hai lúa thiệt) và càng không thích ăn mặc cầu kỳ. Tôi mặc một áo thun tay ngắn, quần jean đen, giày thể thao bình thường và đeo một chiếc ba lô cũ cũ. Trong ba lô đựng vài cuốn sách và một cái laptop. Khi chuẩn bị boarding để lên máy bay từ Istanbul đi Dublin, dù vé tôi đi là Business Class nhưng vẫn thấy không cần thiết xếp hàng bên dãy Business vì chuyến bay cũng khuya, không nhiều khách xếp hàng. Kiểm soát viên lên máy bay là một cậu trẻ trẻ, khoảng 27-28 tuổi, người Trung Đông, có thể là Ấn Độ hay dân UAE. Những người đi trước cứ lần lượt qua cửa rất nhanh. Cậu này chỉ nhìn passport, xem vé, rồi khách đi qua, chưa quá 5 giây. Đến lượt tôi, tôi cứ tưởng cũng vậy. Nên vừa đưa passport và boarding pass tôi vừa chuẩn bị bước thêm một bước nữa để đi (vì cứ nghĩ bạn ấy sẽ đưa lại passport và vé liền cho mình). Nhưng bạn này lại đưa tay ra, kéo túi ba lô tôi lại với con mắt hơi bực bội, hơi nghi ngờ và liếc qua liếc lại với một thái độ khinh thường rất khó chịu. Rồi cậu này lại vô cớ hỏi tôi qua Châu Âu làm gì. Tôi lại phải mất thêm gần 5 phút diễn giải và đưa ra lộ trình công tác từng ngày của mình. Chưa xong, cậu ấy còn lại hỏi tôi làm công việc gì, tôi lại mất thêm 2-3 phút diễn giải. Sau đó, cậu ấy lật qua lật lại tất cả các trang passport của tôi, xem tất cả những visa các nước tôi đi trước đây, nhìn vào hình passport, rồi lại nhìn tôi, như kiểm tra an ninh vậy. Cuối cùng, cậu này đưa lại passport và vé cho tôi. Trong suốt gần 10 phút bị chặn lại, có lúc tôi gần như mất kiểm soát. Cái tôi, cái bản ngã trỗi dậy. Trong đầu tôi diễn ra một bối cảnh chửi lộn và mắng nhiếc cậu này như: “Mày chỉ là 1 thằng check-in vô danh tiểu tốt. Mày không xứng tầm, không xứng đáng nói chuyện với tao nữa chứ đừng nói mày có quyền gì mà dám tra khảo tao như vậy v.v.” Rất may là bối cảnh đó chỉ mới “khởi lên”, rồi sau đó bị kiểm soát… chứ nếu không… chắc tôi quậy ở sân bay rồi bị an ninh giữ lại điều tra và bỏ chuyến công tác luôn rồi. Chuyện đáng buồn là đó không phải lần đầu, mà tôi đã từng bị mấy lần trước đó nữa. Nhưng lần ở Istanbul nghiêm trọng hơn. Sau này tôi cứ tự hỏi, những người khác sao không bị mà mình bị. Có thể họ da trắng. Họ đi bằng passport khác. Ngay cả những người Trung Quốc đi chung chuyến bay vẫn không bị mà sao tôi lại bị. Không lẽ passport mình “bèo nhèo” đến thế sao? Dĩ nhiên, giá trị của một con người không thể đo bằng cái passport, càng không liên quan đến xuất thân, màu da, sắc tộc hay nơi mình sinh ra. Nhưng quyền lực passport của một nước là không thể chối cãi. Ngay cả mỗi lần xin visa đi đâu cũng rất bực, cứ làm visa tới tui, rồi mỗi lần làm lại cung cấp giấy tờ tùm lum rất là phiền và mất thời gian. Đang buồn buồn, muốn đặt vé liền, 1-2 ngày sau bay qua Hàn, qua Hồng Kông thăm mấy đối tác rồi đi chơi 1-2 bữa cho xả stress mà không thể làm được. Nội cái chuyện làm visa không là hết thời gian, hết hứng rồi còn tâm trí đâu mà đi. Một passport có quyền lực không những mang lại sự tự do, tự tại, tiện ích mà còn vô tình nâng giá trị của một doanh nhân, dù rằng đó không phải là giá trị thật của một con người có giá trị.Câu chuyện quyền lực passport của một CEO Trung Quốc
Nói về quyền lực doanh nhân, người giàu, quản lý di sản kế thừa, sẵn tôi kể thêm một câu chuyện. Năm 2012 khi đi khảo sát dự án ở Mỹ chung với một nhóm CEO từ Trung Quốc, tôi có dịp làm quen mới một trong những CEO của tập đoàn lớn nhất ở Trung Quốc về lĩnh vực Quốc tịch và Đầu tư nước ngoài với hơn 20 văn phòng khắp Trung Quốc và gần 2.000 nhân viên. Tôi không tưởng tượng một công ty tư vấn về Quốc tịch – Đầu tư định cư mà có đến 2.000 nhân viên. Ông này chia sẻ trong lúc lai rai vài ly vang (tôi tạm dịch sang tiếng Việt theo văn phong nói): – Ở nước của tôi, giới nhà giàu không định nghĩa sự giàu sang của họ bằng tài sản trên sàn hay có bao nhiêu bất động sản trong nước mà họ đo bằng 2 chỉ số: 1/ Ông tự do được bao nhiêu 2/ Ông để dành được bao nhiêu Tôi đáp: – Tôi chưa hiểu lắm. Tự do thì ai mà không tự do. Còn để dành thì để dành tài sản bằng cổ phiếu, bằng nhà đất rồi. – Không. Ý bọn tôi nói là tự do những cái khác và tài sản để dành theo một phương diện khác chứ không phải theo kiểu truyền thống Trung Quốc ngày xưa. Có lẽ hoàn cảnh các nước khác nhau nên tôi nói có thể ông không hiểu tình hình ở Trung Quốc. Nhưng cái tự do tôi nói ở đây là: bọn tôi không muốn ai quản lý mình, không muốn bị giám sát, không muốn bị phụ thuộc. Chúng tôi muốn đi đâu thì đi, đi lúc nào cũng được. Hơn nữa, bọn tôi ai cũng muốn có lá bùa phòng thân. – Bùa phòng thân là sao? Tôi chưa hiểu ý ông – Tôi ví dụ câu chuyện của tôi năm ngoái là ông hiểu ý tôi liền. Năm ngoái, lĩnh vực của bọn tôi làm ở Trung Quốc rơi vào giai đoạn rất nhạy cảm do chính trị lộn xộn. Thông tin từ những người tôi biết báo là có thể có cuộc dọn dẹp nội bộ (Internal Wipe Out). Tôi thấy lo lắng nên thôi sẵn đang hè nên tôi nói gia đình chuẩn bị đồ, mua vé ngay lập tức. Ngày hôm sau cả nhà đi Châu Âu chơi. Ra khỏi Trung Quốc để xem tình hình thế nào rồi tính. – Rồi có chuyện gì xảy ra không? – Cũng có nhưng tôi không bị ảnh hưởng gì nhiều. – Tại sao? – Tại tôi đang dùng quốc tịch khác kinh doanh ở Trung Quốc nên có một số quy định được áp dụng khác với người có quốc tịch Trung Quốc. – À tôi quên, nước ông không cho 2 quốc tịch. Ở Việt Nam bọn tôi được phép có nhiều quốc tịch. Nhưng mà, đi như vậy thì rủi có chuyện gì thì tài sản làm sao? – À đó mới là tiêu chí thứ 2 tôi nói lúc nãy về thuật ngữ ‘’để dành’’. Bọn tôi chỉ xem xét sự thịnh vượng của mình bằng những thứ mà chúng tôi có được bên ngoài Trung Quốc, chứ không phải bên trong Trung Quốc. – Tại sao? – Tại sao hả. Tôi nói ít ông hiểu nhiều mà. Ở nước tôi, có cả trăm lý do nhưng chính là nếu ông thành đạt, giàu có mà cái gì ông cũng bị động. Cái gì ông cũng bị kiểm soát. Chuyện gì cũng có thể xảy ra đến với ông thì thành ra ông có tự do? Không có cái gì chắc chắn. Không an tâm được. Sống trong môi trường cái gì cũng sợ thì có khác gì những người nghèo? – Uh…Rồi lần đó ông đi Châu Âu sau đó về lại Trung Quốc? – Không. Sẵn đi rồi bọn tôi đi qua vùng Caribe (Caribbean) chơi thêm vài tuần. Nhưng sự việc đó ở Trung Quốc làm tôi lo ngại quá nên thôi cho mấy đứa nhỏ qua Châu Âu với Mỹ học luôn. Còn tôi với vợ thì đi đi về về vì công việc kinh doanh còn nhiều ở Trung Quốc. – Nếu không ngại, cho tôi hỏi ông có mấy passport? – Ba. – Giàu dữ ha (damn rich man)! – Giàu gì mà giàu. Cái giá cho một cái chưa bằng nửa giá căn hộ của tôi ở Thượng Hải. Tôi đổi 2 căn hộ ở Thượng Hải thành vài cái passport nhưng mà cũng đâu có mất gì. Tài sản vẫn còn đó nhưng ở nước ngoài thôi. Lúc đó, tôi gật gù. Trong đầu suy ngẫm nhiều điều….. Cuộc nói chuyện với người bạn CEO Trung Quốc này kéo dài gần 4 tiếng, uống vài ly một chút thành mấy chai… Đến khuya xỉn không thấy đường về phòng khách sạn… Cũng từ được trò chuyện với CEO người Trung Quốc này mà tôi quyết định mang thêm các chương trình quốc tịch Châu Âu và Quốc tịch Caribe và một số nước khác về Việt Nam vì lúc đó Việt Nam chỉ có chương trình Mỹ, Úc, Canada. Đối với tôi, trong trường hợp này tôi đang học người Trung Quốc vì họ đã đi trước tôi một bước rất xa về tư duy lẫn chiến lược, cái ý nghĩa thực sự của cái gọi là quyền lực doanh nhân và sự tự do của một doanh nhân.Trần Văn Tỉnh Nhà sáng lập IMM Group